KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY NHÓT NGỌT
Giống và thời vụ:
Giống nhót ngọt: Đây là giống nhót mới do biến dị trên giống nhót chua, được người dân tự chọn lọc, trồng và nhân giống một cách tự phát trong nhân dân. Đặc điểm quả to hơn nhót chua, khi chín ăn có vị ngọt rôn rốt hơi chua (như vị cây dứa Ta, dứa Mỹ Cayen), các đặc điểm khác giống nhót chua. Trồng nhót ngọt cho hiệu quả kinh tế khá cao. Trồng một cây nhót ngọt 7-10 năm tuổi cho 1-2 tạ quả, thu nhập 4-6 trăm ngàn đồng.
Thời vụ: Nhót được trồng 2 vụ trong năm ở các tỉnh phía bắc. Vụ xuân trồng tháng 2-4. Vụ thu trồng tháng 8-10.
2. Kỹ thuật trồng trọt:
Chọn đất trồng: Nhót có thể trồng trên nhiều loại đất như phù sa ven sông, đất đồi, đất phù sa cổ, đất thung lũng ở các vùng núi…Các loại đất có tầng dầy > 80cm, thoát nước (nhẹ và xốp), mực nước ngầm dưới 1m, độ PH từ 5,5-7, độ dốc không quá 12o. Chủ động tưới tiêu.
Đào hố rộng: 0,8 – 1m, sâu 0,6 – 0,8m hình tròn hoặc vuông. Mỗi hố bón 30 – 50 kg phân chuồng loại mục + (0,1 – 0,2) kg supe lân Lâm Thao. Mật độ trồng 4 m x 3 m x 1 cây. Trồng bằng cây ghép (trên gốc nhót chua, nhót dại) hoặc cành chiết.
Dùng cuốc xẻng trộn lẫn phân với đất san phẳng hố. Khoét một lỗ tròn ở giữa hố, cho bầu cây xuống. Để cổ rễ ngang với mặt đất, dùng chân dậm chặt cách gốc 20 cm tránh vỡ bầu, tưới đẫm nước (mỗi cây 5 – 7 lít nước). Duy trì độ ẩm 70-80% trong 15–20 ngày để cây không chết.
Bón phân: Bón lót cho mỗi cây từ năm thứ hai trở đi, một lần vào tháng 3: 30 – 50 kg phân chuồng theo tán cây. Nếu đất chua PH < 5,5 bón mỗi sào vườn 20 – 25 kg vôi cục ( bón trước hoặc sau các loại phân khác 10 – 15 ngày).
Bón phân thúc cho cây con (1-2 tuổi): Đạm ure: 50 – 100g; kali 25 – 50g; supe lân 100 – 200g bón 2 tháng 1 lần, cách gốc 30-50cm.
Bón phân trong thời kỳ kinh doanh cho 1 cây trong 1 năm:
Bón thúc đợt 1: Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 sau khi thu quả, phân chuồng 30-50kg; đạm ure 0,5-1kg; kali sunfat 0,2-0,5kg; lân supe 1-3kg.
Bón thúc đợt 2, bón đón nụ, đón hoa vào đầu đến trung tuần tháng 11 (trước khi nở hoa 30 ngày): Bón 0,5-1kg đạm ure + 0,5-1kg kali.
Bón thúc quả vào cuối tháng 1: Bón 1-2 kg kali + 0,5-1kg đạm ure.
Cách bón: Bón ngay sau khi tưới ẩm, bón dưới hình chiếu của tán cây (theo phương thẳng đứng của tán cây, có thể xác định bằng bóng tán cây vào khoảng 12 giờ chưa hàng ngày). Nên bón theo hốc, mỗi cây bón 4-6 hốc quanh tán cây, bón sâu dưới mặt đất 10-15cm để hạn chế sự bốc hơi của phân đạm.
Đốn tỉa nhằm điều chỉnh sinh trưởng của cây, tạo cây thông thoáng đủ ánh sáng, cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh hại, ra hoa đậu quả đều cho năng suất và chất lượng cao. Hàng năm tiến hành đốn vào các tháng 3- 5-8-10, cắt bỏ cành tăm hương, cành la, cành bị sâu bệnh, cành vượt (cành tược).
Tưới nước: Nhót cần độ ẩm 70 – 80% từ tháng 12 đến tháng 2 để cây ra hoa, ra quả được thuận lợi, tưới nước trong vụ khô là biện pháp kỹ thuật quan trọng đảm bảo năng suất và chất lượng của quả nhót.
Làm giàn: Làm giàn là biện pháp kỹ thuật không thể thiếu được khi trồng và thâm canh cây nhót. Nên làm giàn cố định bằng cột trụ bê tông cốt thép, mặt giàn chăng bằng dây nhôm, giây thép không ghỉ cỡ to để sử dụng cho nhiều năm cho hiệu quả kinh tế cao. Giàn nên làm thấp để tiện khi thu hoạch, mặt giàn cách mặt đất 1,2-1,5m.
Bà con nông dân Hiệp Hoà có kinh nghiệm thúc hoa sớm cho nhót để có nhót chín sớm như sau:
Phun thuốc kích hoa Ethrel (thuốc dấm hoa quả Trung Quốc) vào đầu tháng 10 với nồng độ 3lọ (15ml) pha bình 10lít phun ướt đều tán lá. Hạn chế bón phân và tưới nước.
Đầu tháng 11, tưới ẩm, bón thúc phân, phun Kích phát tố hoa trái Thiên Nông 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày, đến đầu tháng 12 nhót sẽ nở hoa tập trung, sẽ cho quả chín sớm vào cuối tháng 2.
3. Thu hoạch:
Khi quả nhót già, vỏ ngả màu vàng đỏ thì tiến hành thu hoạch, quả vẫn còn cứng, có thể vận chuyển đi xa.
Chúc bà con thành công!