1. Giống ổi nữ hoàng không hạt
– Ổi không hạt Malaysia: dạng hình cầu hơi dẹp và lệch tâm, đầu quả lõm sâu, thịt quả thơm, giòn, ngọt. Giống có đặc tính khó đậu trái, vỏ quả xù xì, méo mó.
– Ổi xá lỵ không hạt: dạng trái thuôn dài, đẹp da láng màu xanh sáng, thịt màu trắng ngà, chắc, giòn, có vị chua ngọt. Trái to có trọng lượng từ 0.4 -0.8kg. Tỉ lệ đậu trái cao 50-60%. Năng suất cao.
Kinh nghiệm của các vườn ổi thành công cao trồng bằng cành chiết của dòng ổi không hạt có trái to (0,3 – 0,5 kg/trái), dạng trái thuôn dài, vỏ trái láng màu xanh sáng, thịt trái màu trắng ngà, chắc, giòn, vị chua ngọt. Toàn bộ cành chiết chọn trồng có cùng “tuổi”, đã được giâm trong bầu trên 3 tháng và có cùng chiều cao và số lá. Trường hợp cây giống không cùng tuổi, không cùng chiều cao phải phân loại và trồng riêng từng liếp.
2. Đất trồng
Đất tơi xốp, thoáng, giữ nước tốt, tầng canh tác dày trên 50 cm; đặc biệt đất phù sa rất tốt cho cây ổi phát triển cho năng suất cao, quả ngon.
– Đào hố: Đào hố và bón lót trước khi trồng 3-4 tuần; hố có kích thước 50 x 50 x 50 cm (dài x rộng x sâu); mật độ trồng hàng cách hàng từ 2,5-3,0 m; cây cách cây từ 2,5 – 3,0, tương đương 1.400 – 1.500,0 cây/ha.
Ổi không hạt có trọng lượng tối đa là 400 – 800g/trái.
3. Trồng cây
– Trước khi trồng tỉa hết các mầm dại ở gốc (nếu có).
– Đặt cây giữa mô trồng và lắp đất vừa ngang mặt bầu. Cắm cọc giữ cho cây con cố định không lay gốc, tủ rơm hoặc cỏ khô giữ ẩm cho cây. Nếu cây còn yếu phải che năng và tưới đều cho tới khi cây mọc cứng. Nếu trồng vào mùa khô phải phủ rơm cỏ mục quanh gốc để giữ ẩm cho cây phát triển nhanh bộ rễ. Duy trì tưới thường xuyên ngày 2 lần cho tới khi cây đã ra được 2 đợt tược mới thì giảm xuống 1 lần/ngày.
4. Chăm sóc
– Tưới nước: Luôn đảm bảo độ ẩm cho cây ổi, khi gặp mưa lớn phải tháo hết nước ngay.
– Để quả: Mỗi chùm hoa sau khi đậu quả chỉ để lại 1 quả/chùm.
5. Bón phân
Ổi không hạt có sức phát triển rất nhanh, nếu bón phân tưới nước đầy đủ, hợp lý và làm tốt khâu bấm đọt sau ngày trồng 5 – 6 tháng có thể ra hoa, 8 – 9 tháng sau ngày trồng cho thu hái trái chiếng. Lượng phân bón tùy theo độ màu mỡ của đất vườn và tình trạng sinh trưởng của cây. Lời khuyên của các chuyên gia cây ăn quả quốc tế là: so với cam, một thứ cây đòi hỏi bón phân nhiều thì yêu cầu bón phân của ổi còn cao hơn để có năng suất cao và chất lượng tốt. Một số vườn ổi ở Long Hưng (Châu Thành, Tiền Giang), Vĩnh Cửu (Đồng Nai) bón nhiều phân gà công nghiệp kết hợp phân NPK, ổi cho trái nặng 500 – 700 g đều khắp cả vườn. Trong khi chờ tiếp nhận những quy trình bón phân tốt nhất khuyến cáo từ cơ quan khoa học, nhà vườn có thể tham khảo mức phân bón, đã được phổ biến trong các hội thảo phân bón cho ổi không hạt ở ĐBSCL như sau:
+ Năm thứ nhất, 2 tháng một lần, tưới 150 g NPK 16-16-8/cây (225 kg/ha) và 70 g KCl/cây (105 kg/ha).
+ Năm thứ hai bón thúc cho cây vừa tạo tán vừa thu hoạch 2 – 3 tháng một lần. Mỗi lần bón hay tưới 400 g NPK 16-16-8/cây (600 kg/ha) 120 g urê (120 kg/ha), 150 g KCl/cây (225 kg/ha) và 20 kg phân chuồng/cây/năm, kết hợp bồi bùn.
+ Năm thứ ba trở đi, 3,5 – 4 tháng một lần bón phân sau thu hoạch và tỉa cành. Mỗi lần bón hay tưới 220 g NPK 16-16-8/cây (300 kg/ha) 120 g urê (120 kg/ha), 150 g KCl/cây (225 kg/ha) và 20 kg phân chuồng/cây/năm, kết hợp bồi bùn.
6. Tạo tán, tỉa cành, bấm ngọn
Những vườn ổi không hạt thành công là những vườn được làm tốt việc tạo tán, tỉa cành, bấm ngọn, giúp tạo ra nhiều cành cho trái, tán cây chỉ cao khoảng 1,4 – 1,5 m dễ dàng quản lý sâu bệnh và thu hoạch.
Sau khi trồng khoảng 3 tháng, từ thân cây ra những tược mới (cành cấp I) và để dài khoảng 0,8 – 1 m. Khi vỏ tược ở độ bánh tẻ, sẽ cắt bỏ 1/2 chiều dài tược để tạo tiền đề khung tán thấp cây sau này. Sau khi cắt ngọn, mỗi cành cấp I bị cắt ấy sẽ đâm ra 2 tược mới ở nách cặp lá gần vết cắt và từ thân cây các tược khác đâm ra mạnh mẽ. Chờ cho các cành cấp II này thành thục lại cắt ngọn, tiếp tục việc tạo tán. Tính từ gốc tược thứ 2 trở lên, cắt ở vị trí trên 4 – 5 cặp lá, hoặc tính từ mặt đất lên khoảng 1,2 m là vừa. Đợt ra tược thứ 3 (ra cành cấp III) sẽ tốn ít thời gian hơn và đợt tược này, ở vị trí nách cặp lá thứ 4 hoặc thứ 5 sẽ ra 1 – 2 cặp nụ hoa. Tiến hành tỉa bỏ những chồi nhỏ yếu, chỉ giữ lại mỗi cây 3 – 4 cành cấp I, 8 – 10 cành cấp II và hệ thống cành cấp III đều các hướng. Tiến hành bấm ngọn tược thứ 3 ngay vị trí phía trên cặp trái ổi non đã đậu và tỉa các trái dư. Sau một thời gian ngắn ở nách các cặp lá cành cấp II và cấp III sẽ mọc ra các chồi mới cho trái. Tiếp tục bấm đọt những chồi mới ở vị trí trên cặp trái nhỏ như đã làm ở trên.
tán cây chỉ cao khoảng 1,4 – 1,5 m dễ dàng quản lý sâu bệnh và thu hoạch.
7. Xử lý ra hoa
Khi chồi có 4-5 cặp lá, tiến hành tỉa chồi xấu, và bấm ngọn, chừa lại 3-4 cặp lá. Bón 0.5-1kg phân NPK. Khi chồi mới có 4 – 5 cặp lá , tỉa bỏ những chồi nhỏ, yếu, chỉ giữ lại mỗi nhánh cấp 1 từ 4 – 5 chồi to khỏe và phân bố đều xung quanh. Bấm ngọn chỉ để lại mỗi chồi 3 – 4 cặp lá. Sau một thời gian ở nách cặp lá trên cùng sẽ mọc ra hai chồi mới, tiếp tục bấm ngọn những chồi mới như đã làm ở trên, chồi mới sẽ cho một cặp hoa (sau này sẽ cho một cặp trái).
8. Phòng trừ sâu bệnh
Không được tưới phân tươi, nước đã bị ô nhiễm cho cây để chống các bệnh chết cây; khi xuất hiện bọ nẹt, rệp, sâu ăn lá, dòi đục quả thì phun Sherpa 0,2-0,3%, Trebon 0,2%, hoặc bẫy bả sinh học như Vizubon,…; phòng bệnh sương mai,đốm quả thì phun Ridomil 0,2%, Anvil 0,2%; có thể phòng bệnh hại và làm cho màu sắc quả đẹp bằng cách bao quả bằng túi polyetylen hoặc các vật việu khác.
9. Bao trái, thu hoạch
Trong tình trạng ruồi đục quả nhiều như hiện nay, khi trái ổi to bằng trứng cút thì tiến hành phun thuốc ngừa sâu bệnh và bao trái ngay sau đó. Dùng bao nylon trắng đục lỗ nhỏ thoát hơi nước bao trái để ngăn chặn ruồi đục quả gây hại. Khoảng 75 ± 5 ngày sau khi hoa nở có thể thu hoạch trái. Kết hợp bón phân tưới nước theo đợt 3 tháng một lần thì ổi cho thu hoạch rộ trong nửa tháng, 3-4 ngày thu hoạch một lần. Nếu chăm sóc tốt, bón phân và tưới nước thường xuyên cây sẽ cho trái quanh năm.